Tìm hiểu động cơ giảm tốc (motor giảm tốc)
Động cơ giảm tốc (motor giảm tốc) gồm 1 động cơ diện kết hợp 1 hộp số giảm tốc.
Động cơ thường có tốc độ quay cao, nhưng khi sử dụng thường chỉ cần tốc độ quay thấp. Do vậy, người ta đã lắp hộp số giảm tốc với động cơ để có tốc độ quay chậm lại phù hợp nhu cầu sử dụng. Hộp số giảm tốc có thể thay đổi tỷ số truyền khác nhau để dù động cơ quay đều nhưng tốc độ đầu ra thay đổi được. Một kết cấu bao gồm động cơ thường và hộp số giảm tốc lắp đồng bộ với nhau như vậy là “động cơ giảm tốc”. Khi giảm tốc thì mô-men xoắn (lực kéo) ở đầu ra sẽ tăng.
Trong động cơ giảm tốc thì hộp số giảm tốc có công suất truyền lớn hơn công suất động cơ. Khi làm việc càng nặng thì càng phải chọn công suất truyền càng lớn để đảm bảo độ bền của các bánh răng trong hộp số.
Người ta không chế tạo ra các động cơ có tốc độ quay chậm là do khó có thể chế tạo được động cơ với tốc độ bất kỳ. Thêm vào đó, động cơ quay nhanh thì nhỏ gọn, dễ chế tạo và giá rẻ hơn động cơ quay chậm với cùng 1 công suất.
Ngày nay, đa số các động cơ giảm tốc được sản xuất cho các ứng dụng công nghiệp là động cơ điện xoay chiều (AC). Tuy nhiên, động cơ giảm tốc DC cũng được sử dụng như di chuyển cần gạt nước, tời điện hay ròng rọc.
Ứng dụng động cơ giảm tốc trong công nghiệp như: khuấy trộn hóa chất, gạt bùn trong hệ thống xử lý nước thải, sản xuất băng tải, dây chuyền, công nghiệp thực phẩm, thức ăn gia súc, trạm trộn bê tông,…